Trang thông tin điện tử

UBND xã Trà Thanh

Đảng ủy, HĐND, UBND,UBMTTQ Việt Nam phường đi thăm các trường học trên địa bàn phường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh từ ngày 8-13/7/2024

Đến năm 2030, phấn đấu thu hút đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật từ 08 - 10 cụm công nghiệp; Tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trong phạm vi công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác quản lý tàu cá, giám sát tàu cá ra vào cảng, xử lý vi phạm, chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 5; Đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; Quảng Ngãi: Ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Triển khai việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí đăng ký giao dịch bảo đảm… là một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh từ ngày 8-13/7/2024.

Đến năm 2030, phấn đấu thu hút đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật từ 08 - 10 cụm công nghiệp

 UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND về thực hiện việc đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, với mục đích thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng để thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, thành lập mới và phấn đấu thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 08 - 10 cụm công nghiệp; thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhận chuyển giao từ 05 - 07 cụm công nghiệp có công trình hạ tầng kỹ thuật hình thành từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, đầu tư cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã thành lập; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật tối thiểu từ 40% - 50% diện tích cụm công nghiệp thành lập mới. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê tại cụm công nghiệp đạt từ 70% - 75%.

Để thực hiện đạt các nhiệm vụ, chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như sau:

Rà soát, ưu tiên phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các cụm công nghiệp, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để đảm bảo đủ điều kiện thu hút đầu tư. Rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường...để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai và triển khai dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội. Rà soát, đánh giá hệ thống kết cấu hạ tầng bên ngoài hàng rào các cụm công nghiệp trong phương án phát triển cụm công nghiệp để có phương án, kế hoạch đầu tư các công trình bên ngoài hàng rào cụm công nghiệp hiệu quả, nhất là hệ thống giao thông tạo liên kết giữa các địa phương, các trục giao thông vào cụm công nghiệp, hệ thống điện, viễn thông, cung cấp nước sạch,... tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Quy hoạch, thu hút đầu tư vào các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cho người lao động, nhà ở chất lượng cao cho chuyên gia. Xây dựng các thiết chế văn hoá, vui chơi, giải trí, bệnh viện, trường mầm non,… để đảm bảo nhu cầu, đời sống của nhân dân, lao động, các chuyên gia, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên đầu tư hạ tầng khu dân cư, tái định cư để bảo đảm vấn đề nhà ở cho người dân bị giải tỏa, thu hồi đất tạo tâm lý an tâm và đồng thuận từ người dân trong quá trình thu hồi đất.

Thu hút đầu tư, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm để thu hút các nguồn vốn trong dân, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài vào đầu tư kinh doanh hạ tầng, sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Cập nhật và cung cấp thông tin cơ bản thường xuyên cho các nhà đầu tư về tiềm năng, cơ hội, môi trường, các thủ tục đầu tư vào cụm công nghiệp.

Hợp tác và hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Duy trì và đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ để nghe phản ánh và nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ nhà đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan thực hiện cơ chế “một cửa”, giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; tập trung hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án,...

Đối với công tác bảo vệ môi trường, quan tâm, vận dụng các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn theo quy định của pháp luật về môi trường, nhất là các cụm công nghiệp có ngành nghề hoạt động nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao,… nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường tại cụm công nghiệp. Tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra trách nhiệm quản lý môi trường cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp, để từng bước đầu tư hoàn thiện công trình bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trong phạm vi công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn ký công văn số 3606/UBND – KTN về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trong phạm vi công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đối với việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 “Khai thác diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó. Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.

Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình: Giao thông tỉnh, Dân dụng và Công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 nếu có nhu cầu sử dụng khoáng sản trong phạm vi công trình, dự án để phục vụ thi công xây dựng công trình đó do đơn vị làm chủ đầu tư.

UBND tỉnh giao Sở tài nguyên và Môi trường, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) đảm bảo theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính Phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; kiểm tra, rà soát hồ sơ đảm bảo chặt chẽ trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Tăng cường công tác quản lý tàu cá, giám sát tàu cá ra vào cảng, xử lý vi phạm, chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 5.

Phó Chủ tịch Trần Phước Hiền ký ban hành Công văn số 3610/UBND-KTN ngày 09/7/2024 về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, giám sát cá cá ra vào cảng, xử lý vi phạm, chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 5.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nguồn lực triển khai thực hiện hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT Vn) đồng bộ, đảm bảo thực hiện theo các lộ trình tại công văn số 419-CV/BCSĐ ngày 12/06/2024; thực hiện cập nhật dữ liệu lên các cơ sở dữ liệu quản lý thủy sản.

Tiếp tục cập nhật dữ liệu giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, lập danh sách và đánh giá số lượng tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản so với số tàu hiện có tại địa phương để có biện pháp quản lý, xử lý tàu cá không cập cảng bốc dỡ thủy sản theo quy định; thực hiện các quy định về kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác, đặc biệt là tàu khai thác vùng khơi phải vào cảng cá chỉ định; thực hiện nghiêm việc rà soát, kiểm tra, điều tra đánh giá hồ sơ cấp Giấy SC, Giấy CC đối với cá Kiếm từ năm 2023 đến nay.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về cảng cá và quản lý cảng cá tại địa phương; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định.

Đề xuất đầu tư, nâng cấp các cảng cá; duy tu, nạo vét luồng lạch của các cửa biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá ra, vào cảng cá được an toàn; tăng cường, bổ sung nguồn lực (nhân sự, kinh phí, trang thiết bị,..) cho Chi cục Thủy sản tỉnh và Ban Quản lý các cảng cá tỉnh để thực thi tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Tăng cường công tác kiểm tra, tham mưu ban hành cơ chế đảm bảo 100% tàu cá đủ điều kiện hoạt động duy trì kết nối hệ thống giám sát tàu cá (VMS) theo quy định.

Đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ

 UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 3559/UBND-KGVX chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh các hoạt động nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024).

UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tập trung tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 26/4/2024 của UBND tỉnh.

 Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác ưu đãi người có công với cách mạng; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hoá đối với các phong trào tình nghĩa như: Ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp; xây nhà tình nghĩa; chăm sóc, giúp đỡ thương bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, đối tượng người có công ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng,...

Tập trung giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng tại địa phương; thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời chế độ ưu đãi cho người có công theo quy định. Kịp thời nắm bắt thông tin, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân tại cơ sở, không để những nội dung, vụ việc còn tồn đọng nhiều năm nhưng chưa giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong Nhân dân.

 Căn cứ điều kiện cụ thể, tổ chức các hoạt động phù hợp để tri ân người có công với cách mạng và gia đình liệt sĩ theo hướng trang trọng, thiết thực, hiệu quả và ý nghĩa. Tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách; triển khai thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước và của tỉnh tới người có công đầy đủ, đúng đối tượng, đảm bảo hoàn thành trước ngày 27/7/2024.

Quảng Ngãi: Ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Ngày 09/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế là giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Chất thải thực phẩm, thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn, các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản và chất thải rắn sinh hoạt khác là các chất thải rắn sinh hoạt còn lại như: chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác còn lại.

Về lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, các bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển phải được đặt ở các vị trí thích hợp cho việc thu gom, vận chuyển, đảm bảo không rơi vãi, không rò rỉ nước và phát tán mùi hôi ra môi trường.

Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định; bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư, cơ sở theo quy định.

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải tập kết các bao bì đựng chất thải đã được phân loại ở vị trí hợp lý để thuận tiện chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc đến khu xử lý theo quy định của địa phương; điểm tập kết phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quan khu vực.

Khuyến khích thôn, xóm, tổ dân phố thiết lập ít nhất 01 (một) điểm thu gom chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế và 01 điểm thu gom chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt với diện tích phù hợp, có mái che; định kỳ chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế và chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

Về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại, thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt, tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư và tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hiện trạng, đảm bảo theo quy định.

Đối với hoạt động thu gom, vận chuyển phải bảo đảm yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những điểm đã quy định. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý bằng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; bố trí phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại các trạm trung chuyển để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật hoặc chuyển giao cùng với chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị xử lý,…

Về công nghệ xử lý, chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; không khuyến khích xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.

Khuyến khích việc lựa chọn đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung có công suất đáp ứng xử lý chất thải rắn quy mô liên huyện; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu, kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp; khuyến khích đồng xử lý chất thải, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thay thế.

Về xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường tại các điểm điểm tập kết và trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng đúng quy định của pháp luật và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã ngừng tiếp nhận rác thải trên địa bàn tỉnh phải được xử lý ô nhiễm, cải tạo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư, cơ sở quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

Hằng năm, UBND cấp huyện có trách nhiệm rà soát các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để cải tạo, nâng cấp hoặc đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường trong trường hợp không còn nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Triển khai việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí đăng ký giao dịch bảo đảm

 UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 3638/UBND-NC chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND ngày 18/6/2024 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí đăng ký giao dịch bảo đảm; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các Chi nhánh trực thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (đơn vị tổ chức thu phí) phổ biến nội dung Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đến toàn thể viên chức, người lao động của đơn vị và niêm yết công khai, tổ chức thực hiện việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí đăng ký giao dịch bảo đảm; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo đúng quy định của Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, kịp thời tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo.

Giao Sở Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm phổ biến, giới thiệu nội dung Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức trên địa bàn tỉnh nắm bắt và thực hiện; đồng thời, kiểm tra việc thu phí của tổ chức thu phí để kịp thời báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

BTV